Mục tiêu:
- Trình bày được nguyên tắc đo huyết áp động mạch gián tiếp trên người
- Trình bày được các bước đo huyết áp
- Thực hiện được kỹ thuật đo huyết áp động mạch cánh tay
- ĐẠI CƯƠNG
- Định nghĩa
Huyết áp là áp lực của máu tác dụng lên mỗi đơn vị diện tích thành mạch
- Đơn vị đo
Đơn vị đo là mmHg hoặc KPa (KiloPascal), 1KPa = 7,5 mmHg.
- Nguyên tắc
- Nguyên lý đo huyết áp động mạch là vùng cánh tay được quấn lại bởi một băng quấn cao su, áp lực nén của băng quấn này sẽ đè ép vào động mạch cánh tay và gây mất mạch tạm thời, sau đó băng quấn được xả hơi để giảm áp lực từ từ, mạch sẽ có trở lại. Trong quá trình này, người đo huyết áp ghi lại những thay đổi của động mạch.
- Có 2 phương pháp đo: Bắt mạch và Nghe.
- Phương pháp bắt mạch
- Quấn bao cao su đựng hơi của máy đo huyết áp vào cánh tay từ nếp khuỷu trở lên. Khi chưa bơm hơi vào túi khí: bình thường vẫn cảm nhận được mạch đập khi sờ mạch quay. Bơm hơi vào túi cao su đồng thời bắt mạch quay của tay đo cho đến lúc không thấy mạch đập nữa thì đọc kết quả trên đồng hồ ứng với huyết áp tối đa, sau khi áp lực vượt số tối đa, vặn ốc tháo hơi ra cho áp lực hạ xuống đến lúc lại xuất hiện mạch đập tương ứng huyết áp tối đa.
- Tiếp tục tháo hơi trong bao cao su, đo áp lực hạ dần, thành mạch như bập bềnh dưới bao cao su, vì vậy sờ mạch lúc này mạnh nhất, đến lúc áp lực trong bao cao su nhỏ hơn áp lực tối thiểu của động mạch, biên độ đập mạch đột nhiên giảm hẳn xuống, lúc ấy tương ứng huyết áp tối thiểu. Phương pháp đo này không cho biết chính xác huyết áp tâm trương.
- Phương pháp nghe
- Khi chưa bơm hơi vào túi khí: không nghe tiếng động mạch khi đặt ống nghe trên vị trí động mạch cánh tay.
- Bơm hơi vào túi khí: mạch máu bị hẹp dần sẽ tạo ra tiếng động, cho đến khi áp suất trong túi khí lớn hơn huyết áp tâm thu, động mạch bị ép hoàn toàn, máu không chảy qua được, không còn nghe được tiếng động.
- Xả hơi trong túi khí: khi áp suất túi khí bằng và thấp hơn mức huyết áp tâm thu, trong kỳ tâm thu động mạch không còn bị ép chặt, máu chảy qua chỗ bị ép, dội vào cột máu đang yên tĩnh ở phía dưới nên gây ra tiếng động. Áp suất trong túi khí càng giảm, mỗi kỳ tâm thu máu chảy qua càng nhiều hơn cho đến khi áp suất trong túi khí bằng huyết áp tâm trương: tiếng động mờ đi rồi mất hẳn.
- Tiếng động nghe được gọi là tiếng Korotkoff, được chia thành 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: tiếng xuất hiện đầu tiên, ứng với huyết áp tâm thu
- Giai đoạn 2: tiếng to hơn đều đặn
- Giai đoạn 3: tiếng to lên
- Giai đoạn 4: tiếng mờ đi
- Giai đoạn 5: tiếng mất hẳn, ứng với huyết áp tâm trương.
- DỤNG CỤ
- Ống nghe
- Huyết áp kế có kích thước túi khí phù hợp với cánh tay người được đo (chiều rộng bằng 40% chu vi cánh tay, chiều dài bằng 80% chu vi cánh tay.
III.THỰC HÀNH
- Chuẩn bị bệnh nhân
- Bệnh nhân không vận động mạnh, không uống cà phê trước khi đo 1 giờ, không hút thuốc trước đó 15 phút, không tiếp xúc với không khí lạnh.
- Không dùng thuốc kích thích giao cảm (nhỏ mũi), và phó giao cảm (nhỏ mắt để giãn đồng tử).
- Nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.
- Có 2 tư thế chính trong khi đo huyết áp: tuỳ trường hợp để áp dụng tuy nhiên luôn đảm bảo nguyên tắc “tay ngang tim”:
- Bệnh nhân nằm, cánh tay duỗi,lòng bàn tay ngửa.
- Bệnh nhân ngồi thoải mái trên ghế có tựa lưng, cẳng tay có điểm tựa, cánh tay ngang tim (Điểm giữa xương ức hoặc liên sườn 4), lòng bàn tay ngửa, chân không bắt chéo.
- Bộc lộ cánh tay cần đo.
- Người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường nên đo huyết áp ở tư thế đứng nhằm xác định có tình trạng hạ huyết áp tư thế không.
- Kỹ thuật đo
- Quấn băng quấn vừa khít với cánh tay, định vị sao cho đường đi của động mạch cánh tay ở ngay giữa túi hơi, bờ dưới của băng quấn cách nếp khuỷu tay 2cm.
- Bắt mạch quay.
- Đóng van, bơm không khí vào băng quấn cho đến khi không còn thấy mạch đập, bơm thêm 30 mmHg trên mức mất mạch.
- Đặt ống nghe lên vị trí động mạch cánh tay, ống nghe không nhét dưới băng quấn.
- Sau đó mở van làm giảm áp suất từ từ, khoảng 2 – 3 mmHg/ nhịp đập.
- Đến khi nghe tiếng động đầu tiên, đó là huyết áp tâm thu. Tiếp tục giảm áp suất trong túi khí, tiếng động giảm dần cường độ rồi mất hẳn. Trị số tương ứng với lúc tiếng động mất hẳn là huyết áp tâm trương. Ghi lại số đo huyết áp theo đơn vị mmHg dưới dạng huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg).
- Nhận định kết quả
- Ở bệnh nhân có sự khác biệt huyết áp giữa 2 tay, chọn trị số huyết áp lớn hơn để nhận định kết quả và chọn tay có chỉ số huyết áp cao để đo cho những lần sau.
- Mỗi lần đo phải thực hiện ít nhất 2 lần cách nhau ít nhất 1-2 phút và lấy trị số trung bình của 2 lần đo. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần chênh nhau trên 10mmHg thì cần đo lại một vài lần sau khi đã cho bệnh nhân nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp được ghi nhận là phép chia trung bình của 2 lần đo cuối cùng.
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu từ 90-130 mmHg và Huyết áp tâm trương từ 60-85 mmHg.
- Một số nguyên nhân làm sai lệch kết quả
- Huyết áp kế: kim chỉ không đúng số 0 mmHg. Nếu dùng huyết áp kế đồng hồ phải kiểm tra đối chiếu với huyết áp thuỷ ngân 6 tháng 1 lần.
- Kích thước băng cuốn không phù hợp.
- Đo huyết áp nhiều lần ở cùng một cánh tay gây ứ trệ máu trong tĩnh mạch tay.
- Không nghe rõ, không nhìn rõ, nhận định sai tiếng động.
- Xả hơi quá nhanh không nghe kịp.