- Mục tiêu:
– Thực hiện đo chức năng hô hấp bằng máy Spirometer.
– Đọc được kết quả một số chỉ số cơ bản trong thăm dò chức năng hô hấp.
- Nội dung cụ thể
2.1. Nguyên tắc
– Đo chức năng hô hấp là một phương pháp đánh giá chức năng của phổi bằng cách đo lượng khí bệnh nhân có thể thở ra sau khi đã hít vào tối đa.
– Vai trò: Kết quả chức năng hô hấp để đánh giá chức năng hô hấp:
- Đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh, đánh giá triệu chứng (khó thở) và hiệu quả điều trị.
- Đánh giá xác định vị trí tổn thương (tổn thương ở đường thở trung tâm hay ngoại vi trong rối loạn thông khí tắc nghẽn, đặc biệt là phát hiện sớm khi bệnh mới ở đường thở nhỏ).
– Chỉ số này hiện nay đã trở thành một công cụ chính xác và đáng tin cậy trong việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
– Chỉ định của đo chức năng hô hấp:
- Xác định có tắc nghẽn đường dẫn khí.
- Xác định chỉ số FEV1/FVC < 70% sau giãn phế quản.
- Đánh giá độ nặng của bệnh.
- Giúp phân biệt COPD và hen.
- Phát hiện COPD ở các đối tượng phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ.
- Theo dõi diễn tiến bệnh.
- Đánh giá đáp ứng với điều trị.
- Loại trừ COPD và tránh điều trị không thích hợp khi CNHH bình thường.
Nguyên tắc: Cho đối tượng thở vào trong máy có hệ thống lưu thông khí kín, ghi lại sự thay đổi thể tích, từ đó tính ra các thể tích, dung tích thở, lưu lượng thở
2.2. Phương tiện
Máy đo chức năng phổi SPIROMETER: Máy ghi thể tích, dung tích, lưu lượng thông qua sự biến đổi áp suất dòng thở và theo nguyên lý phế lưu-tích phân.
2.3. Cách tiến hành
– Đối tượng cần được giải thích kỹ càng về nghiệm pháp sẽ làm.
– Kỹ thuật viên nên thở vào máy để đối tượng xem, hoặc để họ xem người khác thở vào máy trước khi đến lượt mình.
– Cần nhấn mạnh để đối tượng hiểu rõ hai cách thở và hai yêu cầu rành mạch là thở hết hoàn toàn và thở mạnh:
+ Thở hết hoàn toàn (complete) là thở ra (hoặc hít vào) hết mức cho đến khi không thể thở thêm được nữa, và chỉ có một yêu cầu là thở hết hoàn toàn, chức không yêu cầu thở nhanh (đây là cách thở khi đo dung tích thở chậm SVC, hoặc dung tích sống hai thì VC2).
+ Thở mạnh (forced) là thở vừa mạnh vừa nhanh tối đa, cách thở mạnh này có hai yêu cầu, vừa có yêu cầu thở hết hoàn toàn, vừa có yêu cầu thở mạnh nhanh tối đa, đó là cách thở dung tích sống, thở mạnh FVC mà trên đồ thị FVC này có thể đo tính nhiều lưu lượng tối đa.
– Đối tượng xét nghiệm cần ở trạng thái nghỉ ngơi thoải mái. Ống ngậm miệng nếu là loại có giá đỡ thì đặt vừa đúng ngang tầm miệng.
– Đo ở tư thế đứng hoặc ngồi, nếu đo ở tư thế khác thì ghi chú.
– Trước khi xét nghiệm thực sự đo các thể tích phổi và lưu lượng thở mạnh, nên có hai lần thở thử, qua đó kỹ thuật viên uốn nắn động tác và giải thích thêm.
2.4. Nhận định kết quả
2.4.1. Các chỉ số cơ bản
Có nhiều chỉ số được cung cấp trong Chức năng hô hấp, trong đó nên tập trung chủ yếu vào các chỉ số căn bản sau:
– Volume (VC): là một thể tích khí thở ra hết sức sau một hít vào hết sức.
– Force vital capacity (FVC): Tổng thể tích thở ra tối đa trong 1 hơi thở.
+ Dung tích sống thở mạnh hay còn gọi là dung tích sống gắng sức (Forced Vital Capacity – FVC): dung tích sống thở mạnh là thể tích khí thu được do hít vào thật hết sức rồi thở ra thật nhanh, thật mạnh và thật hết sức.
+ Cách đo FVC cũng giống như đo VC chỉ khác là khi thở ra hết sức phải thở thật nhanh, thật mạnh và thật hết sức. Người bình thường FVC và VC bằng nhau, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, Tuy nhiên, ở những người có tắc nghẽn đường thở, FVC giảm rõ rệt và là biểu hiện sớm của rối loạn thông khí tắc nghẽn.
+ Trong các đánh giá và điều tra ở cộng động, chỉ số FVC được sử dụng để tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học nhằm phát hiện sớm các biến đổi về CNTK. Khi FVC giảm xuống trên 20% của số lý thuyết là có rối loạn thông khí hạn chế hoặc rối loạn thông khí tắc nghẽn nếu có kèm theo giảm thể tích thở ra tối đa giây đầu tiên (ký hiệu là FEV1 – Forced Expiratory Volume in the first second).
– Forced Expiratory Volume in One Second (FEV1): Thể tích khí thở ra tối đa trong 1 giây đầu FEV1 (khi đo FVC).
– Chỉ số Tiffeneau (tỉ lệ FEV1/VC): Bình thường ≥75%, chỉ số này giảm khi có rối loạn thông tắc nghẽn, rối loạn thông khí hỗn hợp.
Ứng dụng lâm sàng: đánh giá RLTK tắc nghẽn khi FEV1 <80% hoặc Tifeneau <75%
– Chỉ số Gaensler (tỉ lệ FEV1/FVC): FEV1/FVC bình thường là 0.7 – 0.8. Khi chỉ số này < 0.7 thì gợi ý có hiện tượng tắc nghẽn đường dẫn khí, tuy nhiên ở người lớn tuổi, chỉ số này bình thường có thể ở mức 0.65 – 0.7.
– Các lưu lượng từng thời điểm: Lưu lượng thở ra tối đa ở giữa dung tích sống FEF25-75%, và một vài lưu lượng tối đa tức thì tại một điểm của dung tích sống ký hiệu là MEF hoặc VMax.
+ Lưu lượng tại vị trí còn lại 75% thể tích của FVC (Maximal Expiratory flow when 75% of the remais in the lung – MEF 75%).
+ Lưu lượng vị trí còn lại 505 thể tích của FVC – MEF50%.
+ Lưu lượng vị trí còn lại 25% thể tích của FVC – MEF25%.
Ứng dụng lâm sàng: Các lưu lượng từng thời điểm này có giá trị chẩn đoán khi tắc nghẽn đường thở nhỏ, khi đó FEF25-75% giảm mà FEV1; Gaensler vẫn bình thường.
2.4.2. Chức năng hô hấp bình thường:
– Ở người bình thường, đường biểu diễn thể tích – thời gian tăng nhanh, trơn và đạt đỉnh sau khoảng 3 – 4 giây.
– Dựa vào biểu đồ đường cong biểu diễn thể tích – thời gian trên, ta thấy đa số khí trong phổi sẽ được đẩy ra ngoài hết sau thời gian 1 giây đầu tiên, tương ưng với chỉ số FEV1/FVC > 70% ở người bình thường. Ở những BN có tắc nghẽn đường dẫn khí mạn tính, FEV1 sẽ thấp hơn nhiều. Vì thế, đường biểu diễn trên sẽ không còn dốc như bình thường mà sẽ dẹt và kéo dài hơn.
2.4.3. Các hội chứng được ghi nhận bằng CNHH:
– Bình thường: FEV1 và FVC > 80% dự đoán.
– Hội chứng tắc nghẽn:
FEV1 < 80% dự đoán
FEV1/FVC < 0.7.
FVC có thể bình thường hoặc giảm (ít hơn so với FEV1).
– Hội chứng hạn chế:
FEV1 và FVC < 80% dự đoán.
FEV1/FVC > 0.7.
Đường biểu diễn tốc độ thở ra – thể tích (Flow – volume curve):
a/ Bình thường:
Đường biểu diễn sẽ tăng lên nhanh chóng để đạt được tốc độ thở ra tối đa, sau đó giảm dần đều và nhanh cho đến khi khí được thở ra hết, điểm cắt của đường biểu diễn và trục hoành là FVC.
b/ Hội chứng tắc nghẽn:
Trong hội chứng tắc nghẽn, đường biểu diễn tăng chậm hơn, không đạt được đỉnh của tốc độ thở tối đa bình thường và có dạng cong lõm lên trên khi giảm xuống do hiện tượng tắc nghẽn đường dẫn khí làm giảm thể tích khí thở ra.
c/ Hội chứng hạn chế:
Trong hội chứng hạn chế, dạng của đường biểu diễn không thay đổi nhiều nhưng giao điểm của đường biểu diễn với trục hoành lệch về bên trái, tương ứng với FVC giảm.
- Yêu cầu thực hành
– Sinh viên chuẩn bị trước ở nhà các thể tích hô hấp, dung tích hô hấp và lưu lượng thở (tên, khái niệm, cách đo, ứng dụng trong lâm sàng).
– Sinh viên chia thành nhóm 4-5 bạn và được đo các chỉ số hô hấp.
– Cuối buổi, mỗi nhóm sẽ được phát 1 phiếu kết quả xét nghiệm. Sinh viên thảo luận nhóm trên lớp cùng với giảng viên.